Vừa qua, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về An toàn thực phẩm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo tiến hành lập bản đồ số về an toàn thực phẩm để giúp người dân có cái nhìn trực quan về tình hình an toàn thực phẩm ở nơi mình đang sống, còn cơ quan quản lý sẽ đưa ra được những giải pháp ứng phó phù hợp với mô hình an toàn thực phẩm ở từng địa phương.
Trong năm 2020, Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm sẽ thực hiện đánh giá tác động của Luật An toàn thực phẩm, định hướng nếu cần đề xuất sửa đổi Luật theo hướng khắc phục chồng chéo, giảm bớt trung gian, tránh tư tưởng thiếu chủ động, tăng phân cấp cho địa phương.Trung ương sẽ tập trung ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn, tiêu chuẩn, các nguyên tắc, quy định; Đối với địa phương trực tiếp quản lý, thanh kiểm tra, chủ động điều phối nguồn lực cho công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Các hoạt động sản xuất thực phẩm an toàn cần được thúc đẩy mạnh mẽ, ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, hướng tới áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn như thực phẩm xuất khẩu đối với thực phẩm tiêu dùng trong nước, trước hết là tại các thành phố, đô thị lớn. Tăng cường nhiều hơn, đa dạng công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm; các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến, an toàn. Truyền thông đến đối tượng đích là những hộ sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, đồng thời phát huy vai trò Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Đoàn thể các cấp trong vận động giám sát thực hiện an toàn thực phẩm.
Một nội dung lưu ý là cần tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về an toàn thực phẩm, trước hết là trong nội bộ các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, xây dựng các công cụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ cộng đồng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên thị trường. Trong năm 2020, tiếp tục đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra xử lý nghiêm các vi phạm an toàn thực phẩm, các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường tiếp tục kiểm tra, giám sát, ngăn chặn thực phẩm giả, thực phẩm nhập lậu đồng thời các ngành liên quan triển khai đánh giá mô hình thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận, huyện, xã, phường.
Theo báo cáo của cơ quan thường trực Ban chỉ đạo, tính đến hết tháng 10/2019, toàn quốc ghi nhận 73 vụ ngộ độc thực phẩm với 1.950 người mắc, 1.874 người đi viện và 8 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2018, toàn quốc giảm 20 vụ ngộ độc thực phẩm; giảm 464 người đi viện. Báo cáo cho thấy trên toàn quốc các ngành, địa phương đã thành lập 21.811 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 427.842 cơ sở, phát hiện trên 65.000 cơ sở vi phạm, xử phạt gần 12.000 cơ sở với tổng số tiền xử phạt 43 tỷ đồng; đình chỉ lưu hành 169 sản phẩm, tiêu hủy sản phẩm của gần 3.000 cơ sở. Các bộ, ngành đã tiến hành thanh, kiểm tra đột xuất theo chuyên ngành; riêng ngành y tế đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 49 cơ sở, chuyển cơ quan điều tra 17 vụ việc có dấu hiệu sản xuất, kinh doanh hàng giả. Lực lượng quản lý thị trường Bộ Công thương kiểm tra, xử lý 5.649 vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, phạt tiền 14,6 tỷ đồng, thu giữ tang vật trị giá 20,7 tỷ đồng; xử lý 2.179 vụ vi phạm về thương mại điện tử kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả; xử phạt 16,6 tỷ đồng, thu giữ 40,5 tỷ đồng giá trị hàng vi phạm. Lực lượng cảnh sát môi trường phát hiện 7.410 vụ việc về an toàn thực phẩm, vi phạm pháp luật có hàng hóa là thực phẩm; khởi tố 140 vụ, phạt hành chính 43,7 tỷ đồng. Các cơ sở kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm trong năm 2019 đã kiểm tra trên 30.000 mẫu, tỷ lệ mẫu không đạt khoảng 6,6%.
Theo Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, đến nay 63/63 tỉnh, thành phố đã xây dựng, phát triển mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với 1.492 chuỗi, có 2.381 sản phẩm và 3.267 điểm bán thực phẩm an toàn. Hiện nay các địa phương TP Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, TP Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh thực hiện tổng kết mô hình thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm , xây dựng các tuyến phố an toàn thực phẩm; trong năm có gần 4.400 cán bộ cấp huyện, xã được bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên môn an toàn thực phẩm. Công tác truyền thông được chú ý, kết hợp giữa tuyên truyền, hướng dẫn với răn đe đã tạo chuyển biến tích cực thay đổi hành vi của người sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Hiện nay, các nội dung đang chú ý triển khai đánh giá hiện trạng nhập lậu thực phẩm; sử dụng chất cấm trong thức ăn gia súc, thủy sản tiêu thụ trong nước; việc thay đổi thói quen an toàn thực phẩm ở chợ, lò mổ, quảng cáo thực phẩm chức năng, bán hàng đa cấp, việc xúc tiến công nhận các trung tâm kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đủ điều kiện.
Theo ghi nhận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; những chất cấm như Sabutamol, Clebuterol trong năm 2019 không phát hiện mẫu nào; tỷ lệ dư lượng kháng sinh trên mẫu thủy sản được kiểm nghiệm giảm còn khoảng 1,2% so với 3-4% như trước đây; Các hoạt động giám sát mẫu luôn được tăng cường nhất là những sản phẩm có tính rủi ro cao. Tuy nhiên, đối với nhữnh hộ nuôi trồng nhỏ lẻ, tiêu dùng tại các địa phương vẫn còn tình trạng sử dụng chất cấm, kháng sinh không rõ nguồn gốc, không có tên; Vì vậy trong thời gian đến việc xây dựng chuỗi nông sản an toàn, hoạt động tuyên truyền, tập huấn của các Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, cơ quan, cơ sở cần phải tăng cường đẩy mạnh thường xuyên, liên tục nhiều hơn, qua đó có biện pháp ngăn chặn ngay từ nguồn cung.
|