Trong 10 tháng đầu năm 2013, theo báo cáo của Cục ATTP, Bộ Y tế cả nước đã tổ chức gần 30.000 đoàn thanh tra, kiểm tra ở các cấp, tiến hành thanh tra, kiểm tra gần 500.000 lượt cơ sở thực phẩm, phát hiện gần 100.000 lượt cơ sở vi phạm (chiếm khoảng 21%). Công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) đã có tiến bộ nhất định, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm rõ rệt, đã ngăn chặn và phát hiện kịp thời nhiều hành vi vi phạm quy định về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhằm tiếp tục tăng cường công tác bảo đảm ATTP cho nhân dân trong những tháng cuối năm 2013 và trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới; ngày 21/11/2013, UBND tỉnh ban hành Công văn số 3131/UBND-CN về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm những tháng cuối năm 2013, đầu năm 2014.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao triển khai thực hiện một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục duy trì thường xuyên các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát về ATTP. Trong đó, tập trung vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm có dấu hiệu vi phạm các quy định về ATTP; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong các dịp lễ, tết (Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, Lễ hội) như bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát, thịt, giò chả, thủy hải sản...; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; các làng nghề truyền thống; các cơ sở đã được phát hiện trước đó có vi phạm các quy định về bảo đảm ATTP và quảng cáo thực phẩm. Đặc biệt chú trọng kiểm tra, kiểm soát, xử lý các mặt hàng thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, gia cầm nhập khẩu trái phép, không bảo đảm ATTP;
Trong quá trình kiểm tra, kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục các quy định của Pháp luật, các kiến thức về đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu dùng thực phẩm; hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn mua, tiêu dùng các loại thực phẩm an toàn, tẩy chay các cơ sở thực phẩm không đảm bảo vệ sinh, các sản phẩm không đảm bảo an toàn. Tuyên truyền, vận động người dân, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố “nói không với thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn”;
Các sở, ngành: Y tế, Công an tỉnh, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP và UBND các huyện, thành phố xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; tuyệt đối không để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATTP tiếp tục hoạt động, sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn tiếp tục lưu thông, tài liệu quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành. Thông báo kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng về những cơ sở, sản phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm và những cơ sở, sản phẩm vi phạm, không đảm bảo an toàn thực phẩm để người tiêu dùng biết và lựa chọn được loại thực phẩm an toàn;
Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình, Báo Thái Bình phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến kiến thức về ATTP, tạo ý thức cho người dân biết tự bảo vệ sức khoẻ; đẩy mạnh việc thông tin tuyên truyền về nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng khi sử dụng thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn.
|