Ngày 05/12/2011, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 2139/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu. Qua 07 năm triển khai thực hiện (giai đoạn 2012-2020), dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Ninh Hòa, UBND thị xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương trên địa bàn thị xã chủ động thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm thực hiện có hiệu quả chiến lược và kế hoạch quốc gia về biến đổi khí hậu trên địa bàn thị xã và đã đạt được những kết quả bước đầu:
1. Về giảm thiệt hại do rủi ro thiên tai :
- UBND thị xã đã thành lập Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thị xã. Hàng năm đều phân bổ cho các xã, phường các trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng chống, ứng phó với thiên tai: áo phao, phao tròn, phao bè, nhà bạt….
- Trang bị cho ngư dân những kiến thức cơ bản về tình hình và quy luật mưa bão, áp thấp nhiệt đới ở địa phương; không cho ra khơi đánh bắt vào những lúc có dự báo mưa bão; yêu cầu trang bị đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc, các phương tiện cứu sinh (phao, thực phẩm, nước ngọt…) để kịp thời ứng phó với những diễn biến bất lợi của thời tiết.
- Đầu tư xây dựng các chương trình, dự án: Tranh thủ nhiều nguồn vốn khác nhau, UBND thị xã Ninh Hòa đã xây dựng nhiều công trình, dự án với mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, trong đó, đã tổ chức triển khai xây dựng được 03công trình đê kè sông, biển:
+ Công trình Đê kè chống xói lở 2 bờ sông Dinh với tổng mức đầu tư là 161,205 tỷ đồng. Mục tiêu là nhằm khắc phục, hạn chế giảm nhẹ thiên tai do lũ gây ra đối với vùng hạ nguồn sông Dinh; góp phần phát triển đô thị, dân cư; tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong vùng được hưởng lợi.
+ Công trình Thoát lũ sông Tân Lâm với tổng mức đầu tư là 64,101 tỷ đồng. Mục tiêu là góp phần ổn định đời sống cho khu dân cư sinh sống tại xã Ninh Thân, xã Ninh Phụng khi mùa lũ về, hỗ trợ phát triển các ngành kinh tế và phát triển môi trường bền vững của hai xã Ninh Thân và Ninh Phụng nói riêng và thị xã Ninh Hòa nói chung.
+ Công trình Đê Ninh Hà tổng kinh phí là 80 tỷ đồng, trong đó vốn trung ương hỗ trợ là 60 tỷ, vốn tỉnh là 20 tỷ nhằm hạn chế xâm nhập mặn.
- Chỉ đạo thực hiện chuyển đổi cơ cấu, giống cây trồng, vật nuôi, điều chỉnh mùa vụ, kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Đối với sản xuất nông nghiệp, đầu tư xây dựng và cải tạo các kênh tưới tiêu trên địa bàn để khắc phục tình trạng khô hạn vào mùa nắng, ngập úng vào mùa mưa. Chỉ đạo và hướng dẫn nông dân chọn các giống cây trồng chống chịu với các điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt. Chuyển đổi cơ cấu mùa vụ và cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện thời tiết và nguồn nước để bảo đảm diện tích gieo trồng và hiệu quả đầu tư. Ngành chăn nuôi: hỗ trợ nông dân trong việc chọn con giống tốt có sức đề kháng cao, năng suất cao để chủ động phòng ngừa dịch bệnh; xây dựng các hầm biogaz để tận dụng khí thải, chất thải chăn nuôi phục vụ sinh hoạt và bảo vệ môi trường. Quy hoạch các vung nuôi trồng thủy sản hợp lý; tuyên truyền nâng cao ý thức người nuôi về trách nhiệm bảo vệ môi trường, nguồn nước, phòng ngừa dịch bệnh để bảo vệ chung cho từng vùng nuôi; hướng dẫn gia cố (tăng chiều cao) của khu vực nuôi tôm tại khu vực ven biển.
1.2. Về đảm bảo an ninh lương thực và tài nguyên nước
a. An ninh lương thực
- Diện tích đất trồng lúa, hoa màu, cây hàng năm khác, cây lâu năm đến năm 2018 đạt 58.186,62 ha
- Tổng sản lượng lương thực năm 2018: 114.525 tấn.
b. An ninh tài nguyên nước
Hiện tại, trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có 11 trạm và hệ thống cấp nước; trong đó 6 trạm cấp nước tại các xã: Ninh Sơn, Ninh Đông, Ninh Bình, Ninh Xuân Ninh Trung, Ninh Sim và 5 hệ thống nước tự chảy tại các xã: Ninh Ích, Ninh Lộc, Ninh Tân, Ninh Thượng, Ninh Tây. Tất cả các công trình đều do Công ty Cổ phần Đô thị Ninh Hòa quản lý. Tổng kinh phí đầu tư cho các công trình nước từ năm 2016 đến nay khoảng 65 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách 13,38 tỷ, vốn vay 33 tỷ và vốn tự có của công ty 18,62 tỷ. Đến nay, tổng công suất cấp nước là 22.200 m3/ngày.đêm. Tổng số, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch 13.900 hộ/18.583 hộ, đạt 70.80%; tổng số, tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh 39.023hộ/39.135 hộ, đạt 99.71%.
1. 3. Về bảo vệ, phát triển bền vững rừng, tăng cường hấp thụ khí nhà kính (KNK) và bảo tồn đa dạng sinh học
Thực hiện Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2016 – 2020 thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Đến cuối năm 2017, đã tổ chức thực hiện đạt các chỉ tiêu như sau: bảo vệ rừng: 42.014,66 ha, khoanh nuôi tái sinh: 213 ha, trồng rừng phòng hộ: 225 ha (trồng rừng phòng hộ đầu nguồn: 60 ha, trồng rừng phòng hộ chắn sóng ven biển: 165 ha), trồng rừng sản xuất: 12 ha, trồng rừng sau khai thác: 2.686 ha; làm mới 60 km đường lâm nghiệp, làm mới 335 km ranh cản lửa. Tiếp tục trồng mới rừng ngập mặn ven biển. Tổng diện tích rừng ngập mặn trên địa bàn thị xã đã trồng đến năm 2018 đạt khoảng 52.86ha.
Trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có 10 cơ sở, trại nuôi động vật hoang dã với 18.850 cá thể, có 01 cơ sở cấy nhân tạo thực vật hoang dã thuộc phụ lục II Cites (trầm dó) đã được cấp giấy chứng nhạn đăng ký gây nuôi, trồng cấy nhân tạo.
1.4. Về giảm nhẹ phát thải KNK góp phần bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất
a. Về năng lượng tái tạo, năng lượng mới
Trên địa bàn thị xã đã xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy thủy điện EaKrongRu. Trong nhà thời gian tới sẽ xây dựng nhà máy điện mặt trời Long Sơn tại xã Ninh Sơn.
b. Sử dụng tiết kiệm và hiệu quả năng lượng
Trong nông nghiệp: Có nhiều thay đổi trong phương thức canh tác nông nghiệp, sử dụng nước, phân bón, thức ăn chăn nuôi phù hợp, quản lý và xử lý chất thải trong chăn nuôi, phát triển sử dụng khí sinh học làm nhiên liệu, hạn chế và loại bỏ dần các máy nông nghiệp lạc hậu tiêu thụ nhiều năng lượng. Tỷ lệ cơ sở chăn nuôi gia súc tập trung có hầm biogas đạt khoảng 50%.
Trong quản lý chất thải: Trên địa bàn thị xã, khu vực đô thị, 100% rác thải được thu gom và xử lý; tại khu vực nông thôn tỷ lệ này là 75,62%. Hầu hết rác được thu gom, xử lý chôn lấp; chưa được phân loại để được chế biến làm phân bón vi sinh hoặc đốt kết hợp phát điện.
Nhìn chung, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Thị ủy, UBND thị xã đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương trên địa bàn thị xã chủ động thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu. Công tác phối hợp phòng chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng được quan tâm thực hiện. Do đó, đã góp phần giảm nhẹ được những thiệt hại về người và tài sản của nhân dân trong quá trình xảy ra thiên tai, hạn hán, lũ lụt do biến đổi khí hậu
|